Điều hành xăng dầu kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng

Chỉ đạo điều hành xăng dầu thời gian qua rất kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng

Thuý Hà (thực hiện)

07:30 SA @ Thứ Năm – 17 tháng 3, 2022

TCCT – Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, công tác điều hành trong nước cần gắn chặt với phát huy vai trò và tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước, đầu mối kinh doanh lớn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

PV:Thưa ông, ông có thể nhận định nhanh về diễn biến thị trường xăng dầu cũng như công tác điều hành trong nước đối với mặt hàng này thời gian qua?

Ông Trần Ngọc Năm: Như chúng ta đã biết, xung đột Nga – Ukraine và can thiệp từ Mỹ, EU, NATO và các quốc gia đồng minh khiến nguồn dầu thô xuất khẩu từ Nga (khoảng 8 triệu thùng/ngày ~ 8% tổng nguồn cung thế giới) đã không thể đưa ra thị trường làm cho nguồn cung dầu trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Châu Âu, thị trường tiêu thụ chính dầu và các sản phẩm xăng dầu, khí đốt của Nga buộc phải tìm cách bù đắp lượng thiếu hụt này bằng nguồn hàng từ các khu vực còn lại trên thế giới.

Việc này khiến giá dầu thô và sản phẩm tăng mạnh lên mức chưa từng có trong vòng 14 năm trở lại đây.

Tổng thống Mỹ đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vào Mỹ ngày 8/3/2022 làm tình hình càng trở lên căng thẳng. Giá dầu thô và các sản phẩm dầu liên tục tăng cao. Ngày 8/3/2022 dầu thô Brent ở mức 128 USD/thùng mức này gần mức đạt đỉnh vào tháng 7/2008 và dầu sản phẩm Mops tại Singapore lần lượt là: Xăng 95: 145 USD/thùng, Gasoil 0.05: 158 USD/thùng.

Mức chênh lệch dầu thô và dầu sản phẩm cao chưa từng có trong lịch sử phản ánh thị trường toàn cầu thiếu hụt cả về dầu thô và dầu sản phẩm.

Tại Châu Á, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do hàng chuyển vùng đi Châu Âu. Không chỉ nguồn cung hàng ưu đãi thuế form D, KV bị thiếu, nguồn hàng không form cũng rất hạn chế.

Tại các thị trường nhập khẩu chính của Petrolimex là ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản (để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt), nguồn cung không đủ, mức Premium chào bán bị đẩy lên cao bất thường, đặc biệt đối với các loại hàng có lưu huỳnh thấp, đạt tiêu chuẩn Euro 5.

Từ những tác động ảnh hưởng trên, Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương, đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua để bình ổn thị trường xăng dầu. Cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc để đảm bảo cung ứng xăng dầu đáp ứng nhu cầu xã hội và bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã kiên định điều hành thị trường xăng dầu theo đúng Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, giao tăng chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối lớn, có tiềm lực trong Quý II/2022 để bù đắp lượng cắt giảm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Petrolimex cho rằng công tác chỉ đạo điều hành xăng dầu của Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương, thời gian qua là rất kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

PV:Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Petrolimex sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp như thế nào để phối hợp với Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong thời gian tới?

Ông Trần Ngọc Năm: Thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua chịu ảnh hưởng kép bởi 2 yếu tố bất lợi: Thứ nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng do thiếu dầu thô; Thứ hai là nguồn cung trong khu vực khan hiếm do ảnh hưởng khủng hoảng Nga – Ukraine như đã nêu trên.

Trong bối cảnh thị trường là của người bán, nguồn cung xăng dầu khan hiếm thì việc tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ Nhà máy Nghi Sơn cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường là một thách thức không nhỏ với Petrolimex.

Tuy nhiên, Petrolimex ý thức với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước đã ngay lập tức chủ động xây dựng các giải pháp đảm bảo nguồn.

Cụ thể, đối với nguồn từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước, Tập đoàn đã rà soát và yêu cầu các nhà máy có những cam kết chắc chắn hơn nữa về khả năng đảm bảo nguồn cung theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đối với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Petrolimex, với bề dày lịch sử đã tạo uy tín bạn hàng trên thị trường trong nhiều năm qua, đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy, ký kết Hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ để chủ động đối phó, thay thế chuỗi cung ứng nếu bị gián đoạn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên tục nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến của thị trường để linh hoạt xử lý các tình huống, kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm cố gắng đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống. Sản lượng nhập khẩu của Petrolimex trong tháng 2 và tháng 3/2022 đã tăng khoảng 60% so với bình thường.

Đối với thị trường trong nước, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã quyết liệt chỉ đạo trong toàn hệ thống đảm bảo cung ứng xăng dầu kịp thời cho hệ thống phân phối thuộc Petrolimex phù hợp hợp đồng, tiến độ và không để cửa hàng xăng dầu trực thuộc dừng bán hàng sai quy định nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tập đoàn đã chủ động báo cáo Chính phủ, Liên Bộ Công Thương – Tài chính để cam kết thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước nhằm đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Nắm bắt tín hiệu bất ổn từ thị trường thế giới, từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil, Xăng dầu quân đội,… đã nỗ lực trong chủ động tìm kiếm nguồn cung bổ sung và đảm bảo hệ thống phân phối ổn định đến tay người tiêu dùng.

Ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong Quý II/2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch.

Leave Comments

0981784999
0981784999